Các môn thể thao tại Ngày hội VH-TT các dân tộc miền núi:
Chất lượng chuyên môn được nâng cao
Sau 3 ngày tranh tài sôi nổi, các môn thi đấu thể thao tại Ngày hội VH-TT các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định năm 2013 được tổ chức tại huyện Vân Canh đã khép lại vào chiều 21.4. Với việc đầu tư chiều sâu và khai thác tốt các thế mạnh, chất lượng chuyên môn các môn thể thao đã được nâng cao. Dư âm về sự sôi động và hấp dẫn của hoạt động này vẫn còn đọng lại trong lòng những người dự hội.
Tham gia Ngày hội có khoảng 300 VĐV đến từ các huyện: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân, tranh tài ở các môn bóng đá, bóng chuyền, phóng lao, bắn nỏ, chạy vượt dốc, đẩy gậy, kéo co...
Một pha lên bóng trong trận Vĩnh Thạnh gặp Tây Sơn ở môn bóng chuyền tại Ngày hội.
Nhiều địa phương đầu tư chiều sâu
Để đến với Ngày hội, các địa phương đã có sự chuẩn bị khá chu đáo. Một số huyện như Hoài Ân, An Lão, Tây Sơn đã tổ chức Ngày hội VH-TT các dân tộc miền núi cấp xã, cấp huyện để tuyển chọn VĐV cho từng bộ môn, tiến hành tập luyện và thi đấu giao hữu. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo và dài hơi này, trình độ chuyên môn của các VĐV đã được nâng cao. Tuy nhiên, ở từng bộ môn, giữa VĐV của các địa phương vẫn có sự chênh lệch về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thi đấu.
Ở môn bóng đá nam, đương kim vô địch Vĩnh Thạnh tiếp tục bảo vệ thành công danh hiệu của mình khi “đè bẹp” đội bạn Hoài Ân với tỉ số đậm 5-0. Cùng lúc đó, An Lão cũng thể hiện được sự tiến bộ vượt bậc khi giành vị trí thứ Ba.
Ở bộ môn bóng chuyền, huyện An Lão một lần nữa khẳng định sự vượt trội khi giành giải Nhất một cách thuyết phục. Đơn vị chủ nhà Vân Canh cũng cho thấy trình độ chuyên môn ổn định của mình khi đoạt hạng Nhì. VĐV Đinh Văn Núa (huyện An Lão) cho biết: “Những năm qua, phong trào bóng chuyền ở huyện An Lão đã phát triển rất tốt. Sau những giờ lên nương, đi rẫy, về đến làng là thanh niên tập trung chơi bóng chuyền, vừa rèn sức dẻo dai, vừa tham gia vào các hoạt động thể thao phong trào ở địa phương. Xã và huyện thường xuyên tổ chức các giải bóng chuyền, thi đấu giao hữu nên phong trào ở các làng rất mạnh”.
Ở các môn mang tính đặc trưng của miền núi như: phóng lao, bắn nỏ, đẩy gậy… các địa phương vốn giành giải cao vẫn cho thấy sự ổn định về lực lượng và phong độ thi đấu.
Các môn thế mạnh được khai thác tốt
Ở những bộ môn thể thao mang tính đặc trưng của miền núi như: phóng lao, bắn nỏ… các huyện lâu nay luôn giành giải cao vẫn cho thấy sự ổn định về lực lượng và phong độ thi đấu. Điều này chứng tỏ các địa phương rất quan tâm đào tạo và phát triển mang tính kế thừa.
Ở môn bắn nỏ, các VĐV ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) từng mang về cho tỉnh nhà nhiều huy chương toàn quốc thì với sân chơi cấp tỉnh này, các “xạ thủ” của Tây Sơn không có đối thủ. Các VĐV Đinh Rum, Đinh Thép, Đinh Thị Reo, Đinh Thị Chế lần lượt chia nhau các ngôi vị Nhất và Nhì ở môn bắn nỏ dành cho cá nhân nam và nữ. Thành tích này đã giúp Tây Sơn đoạt luôn vị trí Nhất ở nội dung đồng đội nam, nữ.
Còn ở môn đẩy gậy, sau khi VĐV Đinh Văn Núa (huyện An Lão) - người 3 mùa lễ hội liên tục đoạt ngôi quán quân ở hạng cân trên 60kg không thi đấu - thì cục diện các trận tranh tài không còn nhiều chênh lệch. VĐV Đinh Vụ của Vĩnh Thạnh đã ghi tên mình vào ngôi cao nhất ở môn này. Ở môn đẩy gậy dành cho nữ hạng cân trên 50kg, VĐV Đinh Thị Xanh (huyện An Lão) một lần nữa cho thấy chị vẫn chưa có đối thủ khi dễ dàng bảo vệ thành công ngôi vô địch.
Ở môn phóng lao, hai VĐV của Hoài Ân là Đinh Văn Miêu và Đinh Văn Heo giữ ngôi Nhất và Nhì. Ở môn chạy vượt đồi dốc, những đôi chân không biết mệt mỏi lặn lội giữa vùng đại ngàn An Lão như: Đinh Văn Sơn, Đinh Thị Diêu có sự vượt trội khi giành giải Nhất ở nội dung dành cho nam và giải Nhì cho nội dung nữ.
Bên cạnh những thành công nói trên, Ngày hội năm nay vẫn còn nổi lên một số vấn đề hạn chế cần được thay đổi. Đó là công tác trọng tài ở một số môn thể thao chưa tốt. Đơn cử như ở môn bóng đá, trọng tài điều khiển các trận đấu còn mắc nhiều lỗi, khiến các đội bị ức chế.
CÔNG TÂM